Viêm Loét Miệng

Đã được tư vấn chuyên môn bởi

Viêm loét miệng còn được gọi là nhiệt miệng – một vấn đề thường gặp, khởi phát do nhiều yếu tố, gây đau rát, khó chịu, cản trở quá trình ăn uống, sinh hoạt của người bệnh. Thực tế, hiện tượng này có thể kéo dài dai dẳng nếu không biết cách điều trị phù hợp. Trong bài viết dưới đây, bạn đọc hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp chữa trị và một số thắc mắc liên quan đến nhiệt miệng. 

Viêm loét miệng là bệnh gì?

Viêm loét miệng là thuật ngữ dùng để chỉ những tổn thương, vết loét nông trên bề mặt niêm mạc trong miệng, thường xuất hiện chủ yếu ở nướu, môi, dưới lưỡi, phía trong má. Vết loét này có dạng hình tròn hoặc bầu dục với màu trắng viền đỏ hay vàng viền đỏ. Thông thường, hiện tượng viêm loét miệng sẽ kéo dài trong khoảng 5 - 7 ngày, sau đó các tổn thương dần được phục hồi. Tuy nhiên có trường hợp bệnh kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm, vết loét hình thành nhiều hơn, lan rộng thành ổ, gây cảm giác đau rát vô cùng khó chịu.

Viêm loét miệng là vết loét nông ở niêm mạc miệng
Viêm loét miệng là vết loét nông ở niêm mạc miệng

Viêm loét miệng có thể được chia thành 3 loại dựa theo kích thước khu vực bị tổn thương, cụ thể:

  • Viêm loét miệng nhỏ: Đây là dạng thường gặp nhất, các vết loét có hình oval, nông, thường phục hồi sau khoảng 1 - 2 tuần và không để lại sẹo.
  • Viêm loét miệng trung bình: Bệnh nhân gặp tình trạng này sẽ xuất hiện các vết loét miệng kích thước trung bình, tổn thương sâu hơn, cần thời gian từ 4 - 6 tuần để phục hồi hoàn toàn và có nguy cơ để lại sẹo.
  • Viêm loét miệng herpes: Là viêm loét miệng bị gây ra bởi virus herpes, có kích thước như đầu đinh ghim, tổn thương tập trung thành từng chùm từ 10 - 100 nốt, bờ không đều, có thể phục hồi sau 1 - 2 tuần và không để lại sẹo nhưng rất dễ tái phát.

XEM THÊM: Răng Móm Là Gì, Do Nguyên Nhân Nào? Biện Pháp Và Lưu Ý

Nguyên nhân

Hiện nay, nguyên nhân gây viêm loét miệng vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên các chuyên gia đã nghiên cứu và chỉ ra một số yếu tố có khả năng hình thành và kích thích bệnh tái phát, có thể kể đến như:

  • Vết loét hình thành do người bệnh vô tình cắn vào má, lưỡi, ăn thực phẩm khô cứng hoặc dùng bàn chải đánh răng không phù hợp, chải răng quá mạnh gây ra vết trầy xước. Đây được xem là nguyên nhân chính làm xuất hiện viêm loét miệng ở trẻ em.
  • Nếu ăn nhiều thức ăn nóng hoặc quá lạnh khiến niêm mạc miệng bị bỏng nhiệt, từ đó gây ra các vết loét.
  • Một số trường hợp ăn uống thiếu chất, không bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất cũng làm tăng khả năng bị loét niêm mạc miệng.
  • Việc ăn quá nhiều thức ăn, gia vị có tính acid hoặc cơ thể nhạy cảm với cà phê, trứng, dứa, phomat, socola cũng tiềm ẩn nguy cơ bị loét miệng.

Uống cafe cũng là yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh
Uống cafe cũng là yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh

  • Uống ít nước chính là yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh. Lý do là bởi khi lượng nước bổ sung cho cơ thể không đủ dẫn đến tình trạng thiếu nước bọt, khoang miệng bị khô và không được làm sạch. Đặc biệt ở trẻ nhỏ thường ít đánh răng khiến vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về răng miệng, nhất là viêm loét miệng.
  • Công việc, học tập và những vấn đề trong cuộc sống khiến chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng, stress kéo dài, từ đó sức đề kháng giảm, niêm mạc miệng trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị vi khuẩn, vi nấm tấn công và hình thành vết loét.
  • Viêm loét miệng có thể hình thành nếu bạn sử dụng thuốc Tây y không đúng cách hoặc lạm dụng gây ra tác dụng phụ là ức chế hoạt động của tuyến nước bọt, tăng hiện tượng khô miệng và gây viêm loét.
  • Một số trường hợp bị bệnh truyền nhiễm ở miệng như thủy đậu hay nhiễm trùng herpes cũng là yếu tố làm xuất hiện vết loét miệng.
  • Những nguyên nhân khác khiến bệnh lý này hình thành có thể kể đến như mắc bệnh về đại tràng, ruột non, bệnh viêm toàn thân hoặc tình trạng suy giảm hệ miễn dịch,....

Triệu chứng viêm loét miệng

Khi bị nhiệt miệng hay lở loét miệng sẽ có những biểu hiện cụ thể, rất dễ nhận ra. Bạn có thể dựa vào một số triệu chứng điển hình để phân biệt với các bệnh lý răng miệng khác, từ đó tìm biện pháp khắc phục tốt nhất:

  • Có một hoặc nhiều đốm đỏ, vết lở loét ở lưỡi, mặt trong của má và môi, mặt trên của miệng, nướu. Đặc trưng của các vết loét này đó là có màu trắng hoặc vàng, kích thước thường dưới 1cm và chuyển sang màu xám khi bắt đầu lành.
  • Khi ăn uống, vết loét gây cảm giác đau rát, đặc biệt là khi ăn đồ ăn chua cay, mặn, cứng vì chúng kích thích vết loét nhiều.
  • Khó khăn trong quá trình nhai, nuốt hoặc nói chuyện.
  • Người bệnh có thể đi kèm các biểu hiện như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, chuột rút, tiêu hóa kém, hay cáu gắt.
  • Viêm loét miệng gây nổi hạch, sốt cao hoặc cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi.

Các vết viêm loét nổi rõ nên rất dễ phát hiện
Các vết viêm loét nổi rõ nên rất dễ phát hiện

Cách điều trị bệnh viêm loét miệng hiệu quả nhất

Bệnh viêm loét miệng thường gây cảm giác đau nhức khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm giảm chất lượng cuộc sống. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn đó là bị viêm loét miệng do herpes, bệnh tự miễn, ung thư tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cơ thể nên cần được thăm khám, điều trị từ sớm.

Tùy từng tình trạng, mức độ bệnh, bạn có thể điều trị hiện tượng này bằng mẹo dân gian, dùng thuốc Tây y theo chỉ định của bác sĩ.

THAM KHẢO: Răng Thưa Do Đâu, Gây Ảnh Hưởng Gì Và Làm Sao Khắc Phục?

Dùng mẹo dân gian

Nếu bạn bị loét miệng ở thể nhẹ, khởi phát do các nguyên nhân như thói quen sinh hoạt không đúng, chế độ ăn thiếu chất, căng thẳng, stress, tác dụng phụ của thuốc Tây y, hoàn toàn có thể dùng mẹo dân gian để cải thiện. Phương pháp này được lưu truyền từ xưa, cho đến nay vẫn đảm bảo tính hiệu quả và an toàn do sử dụng những nguyên liệu sẵn có.

  • Dùng nước súc miệng chuyên dụng: Tại vết loét miệng thường tồn tại nhiều vi khuẩn, vi nấm nên việc sử dụng nước súc miệng có thể tiêu diệt tác nhân gây hại, kích thích tái tạo tế bào mới và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng trong miệng. Người bệnh pha loãng nước súc miệng này với nước ấm, dùng để súc miệng 2 - 3 lần mỗi ngày, kiên trì đến khi hiện tượng viêm loét được kiểm soát.
  • Sử dụng trà hoa cúc: Trà hoa cúc được biết đến là thức uống có lợi cho cơ thể, không chỉ tăng cường hệ miễn dịch mà còn giúp đẩy lùi nhiều chứng bệnh khác nhau. Theo nghiên cứu, loại trà này có chứa hoạt chất kháng viêm, diệt khuẩn, giảm đau và phục hồi tổn thương nhanh chóng. Khi bị nhiệt miệng, bạn lấy một ít hoa cúc khô cho vào ấm, tráng qua một lượt với nước sôi rồi cho nước sôi vào hãm trong 5 - 7 phút, sau đó dùng trà này súc miệng 3 - 4 lần mỗi ngày.

Trà hoa cúc có thể đẩy lùi các triệu chứng của viêm loét miệng
Trà hoa cúc có thể đẩy lùi các triệu chứng của viêm loét miệng

  • Mật ong: Có thể bạn chưa biết, mật ong không chỉ là tốt cho hệ tiêu hóa, dùng trong làm đẹp mà còn có khả năng đẩy lùi hiện tượng viêm loét miệng. Nguyên liệu này có chứa thành phần hoạt chất có lợi, giúp kháng viêm, tiêu diệt vi khuẩn gây hại, giảm đau rát, sưng đỏ, thích hợp dùng để điều trị nhiệt miệng. Bạn dùng mật ong nguyên chất thoa lên vết nhiệt miệng mỗi ngày từ 3 - 4 lần, duy trì cho đến khi các triệu chứng được đẩy lùi.
  • Dùng dầu dừa: Tương tự như mật ong, dầu dừa chứa acid lauric tự nhiên cũng mang đặc tính kháng khuẩn, chống viêm nhiễm, kích thích phục hồi tổn thương, tái tạo tế bào mới. Do đó khi bị viêm loét miệng, bạn hoàn toàn có thể sử dụng dầu dừa để giảm hiện tượng sưng viêm, giảm đau và ngăn ngừa những biến chứng. Cách thực hiện vô cùng đơn giản đó là dùng dầu dừa nguyên chất thoa lên vị trí nhiệt miệng, mỗi ngày từ 2 - 3 lần. Tránh tiết và nuốt nước bọt sau khi bôi để hoạt chất tác động lên vết thương tốt hơn.

Dùng thuốc

Dùng thuốc Tây y được xem là biện pháp trị viêm loét miệng cho hiệu quả nhanh chóng, đẩy lùi các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Thuốc có thể sử dụng cho cả trường hợp bệnh nặng và bệnh nhẹ. Tuy nhiên để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, bạn cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ trước khi sử dụng.

Một số loại thuốc trị viêm loét miệng lưỡi được đánh giá cao đó là:

  • Thuốc bôi Oracortia: Đây là loại thuốc steroid dạng thuốc mỡ, hỗ trợ giảm viêm, tránh tổn thương lan rộng và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Ưu điểm của thuốc là cho hiệu quả nhanh chóng và rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Thuốc Oracortia được chỉ định bôi trực tiếp lên vị trí lở loét, thời điểm tốt nhất là trước khi đi ngủ để không bị ảnh hưởng bởi nước bọt hay thức ăn.
  • Thuốc bôi Kamistad N: Đây là sản phẩm có xuất xứ từ Đức, được các bác sĩ khuyên dùng trong trường hợp nhiệt miệng. Thuốc có tác dụng giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng. Kamistad N có thể dùng cho đối tượng niềng răng hay đeo răng giả, đảm bảo an toàn, lành tính. Cách dùng được khuyến cáo đó là súc miệng sạch, thoa gel lên vết thương ngày 3 lần, trong khi dùng thuốc không được ăn uống.

Thuốc bôi Kamistad N được bác sĩ khuyến khích sử dụng
Thuốc bôi Kamistad N được bác sĩ khuyến khích sử dụng

  • Thuốc bôi Zytee RB Gel: Loại thuốc này thường được dùng để giảm đau, sưng viêm, đẩy lùi cảm giác khó chịu cho người bị viêm loét miệng. Zytee RB Gel có khả năng giảm đau nhanh, chỉ sau 3 - 4 phút sử dụng và tác dụng kéo dài trong 4 giờ. Tuy nhiên sản phẩm cũng gây ra một số tác dụng phụ như mẩn đỏ, ngứa rát, buồn nôn, sưng mí mắt nên bạn phải hết sức thận trọng. Cách dùng Zytee RB Gel đó là nhỏ 1 - 2 giọt gel thuốc lên đầu ngón tay trỏ, xoa nhẹ lên vị trí viêm, mỗi ngày từ 3 - 4 lần.
  • Mouthpaste: Một trong những loại thuốc nhiệt miệng hiệu quả cao được nhiều người tin dùng đó là Mouthpaste. Sản phẩm được điều chế ở dạng gel, dùng trong trường hợp viêm loét miệng, đau khi mọc răng, tổn thương do mang răng giả, nắn chỉnh răng, viêm lợi, môi khô do thời tiết. Khi sử dụng, bạn lất lượng gel nhỏ bằng hạt đậu thoa lên vị trí bị tổn thương, thực hiện ngày từ 2 - 3 lần và không dùng liên tục quá 8 ngày, đồng thời không bôi ở khu vực rộng.

ĐỪNG BỎ QUA: Khớp Cắn Hở Có Tác Hại Gì? Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục

Lưu ý để cải thiện và phòng ngừa bệnh

Viêm loét miệng là bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể tái phát liên tục khi gặp các yếu tố thuận lợi, do đó để cải thiện hiệu quả và phòng tránh bệnh, bạn nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Nếu chưa biết chính xác bản thân có bị viêm loét miệng hay không, hãy tìm đến bác sĩ để được thăm khám, xác định nguyên nhân và mức độ bệnh, tránh nhầm lẫn với một số bệnh lý nguy hiểm khác.

Nên thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, mức độ bệnh
Nên thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, mức độ bệnh

  • Người bệnh nên xây dựng thực đơn dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất cho cơ thể, hạn chế ăn thực phẩm chua, cay, nóng, thức ăn nhanh nhiều dầu lỡ.
  • Không dung nạp thực phẩm dai cứng, quá nóng hoặc quá lạnh, loại bỏ cà phê, nước ngọt có gas và một số chất kích thích khác.
  • Giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, không để bản thân rơi vào tình trạng áp lực, stress sẽ khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học, ăn ngủ đúng giờ, thường xuyên tập thể dục thể thao, bổ sung đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.
  • Chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách, sử dụng bàn chải đánh răng phù hợp, không tác động lực mạnh vào miệng, ưu tiên dùng nước muối súc miệng.

Một số thắc mắc liên quan đến viêm loét miệng

Khi bị viêm loét miệng, nhiều người chưa biết cách xử lý như thế nào để tránh vết loét lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn. Cùng với đó, bệnh nhân thường đưa ra nhiều thắc mắc liên quan như:

Bị viêm loét miệng nên ăn gì, kiêng gì?

Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều trị bệnh viêm loét miệng. Vậy nên ngoài thói quen sinh hoạt lành mạnh, người bệnh cần chú ý thực phẩm nên ăn, cần kiêng như sau:

  • Ưu tiên thực phẩm mềm, lỏng, dễ nhai, dễ nuốt để không tác động đến vết loét.
  • Bổ sung rau xanh, trái cây giàu vitamin và khoáng chất như súp lơ, cải xanh, bắp cải, bơ, táo, chuối,...
  • Ăn thức ăn giúp thanh nhiệt, giải độc như rau má, bí xanh, cà chua, củ cải, rau ngót, bột sắn dây.
  • Thực phẩm giàu omega 3 giúp nâng cao sức đề kháng, chống viêm như các loại dầu cá, cá hồi, cá trích, cá thu, cá tuyết,...
  • Bổ sung nhiều gia vị có tính kháng viêm, diệt khuẩn như nghệ, gừng, tỏi,...
  • Người bệnh cần kiêng đồ nếp, thực phẩm nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, gà rán.
  • Không ăn các loại gia vị chua cay, đồ ăn cứng.
  • Hạn chế bánh kẹo ngọt, nước uống có gas, chứa caffeine hoặc cồn.

TÌM HIỂU THÊM: Viêm Tủy Răng: Triệu Chứng Và Biện Pháp Điều Trị Phù Hợp

Bệnh nhân viêm loét miệng nên bổ sung nhiều rau xanh
Bệnh nhân viêm loét miệng nên bổ sung nhiều rau xanh

Phân biệt bệnh loét miệng và bệnh viêm nhiễm ở miệng

Viêm loét miệng xuất hiện các nốt mẩn đỏ, loét ở lưỡi, nướu, môi, trong má, gây đau rát và thường bị nhầm lẫn với một số bệnh viêm nhiễm khác ở miệng. Bạn cần phân biệt được các hiện tượng này để tìm cách khắc phục hiệu quả nhất.

Theo đó, viêm loét miệng hay nhiệt miệng thường giống với bệnh tự miễn, ung thư biểu mô hầu họng hoặc loét do herpes.

  • Loét miệng do herpes: Với tình trạng này, vết loét tương tự vết phồng rộp nhỏ, tụ tập thành từng đám ở quanh miệng, trên môi với nguyên nhân được xác định là do virus HSV. Sau một thời gian vết phồng này vỡ sẽ chảy dịch ra ngoài, đóng vảy sau vài ngày hoặc vài tuần.
  • Bệnh tự miễn: Không ít trường hợp xuất hiện vết loét ở miệng do bệnh tự miễn như hội chứng Behcet, lupus ban đỏ,... Người bệnh lúc này ngoài triệu chứng lở loét, sưng đau còn bị tổn thương khớp, tổn thương một số cơ quan khác hoặc bị thiếu máu.
  • Bệnh ung thư biểu mô hầu họng: Bệnh nhân bị ung thư biểu mô hầu họng xuất hiện vết lở loét kèm theo triệu chứng nổi hạch, sốt cao, vết loét lâu lành và thường dễ tái phát trở lại. Đây được đánh giá là bệnh nguy hiểm nên bạn cần thăm khám và lắng nghe chỉ định của bác sĩ.

Viêm loét miệng tạo ra các vết loét gây đau rát khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống. Bệnh khởi phát do nhiều yếu tố và nếu không được điều trị từ sớm có thể gây ra nhiều biến chứng, vậy nên khi có những triệu chứng bất thường, bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện, phòng khám để được tư vấn, chữa trị. 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hệ thống cơ sở
CƠ SỞ CHÍNH

Cơ sở Trung Tâm ViDental Kid - Hà Nội: Tầng 5 - 18 Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: (+84) 987.933.309

Cơ sở trung tâm TP.HCM: 193 Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. HCM

Điện thoại: (+84) 987.933.309

HỆ THỐNG CHI NHÁNH

Trung Tâm ViDental Kid - Đống Đa, Hà Nội : Tầng 5 - Số 18 Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

ViDental Kid - Guva Phú Nhuận TPHCM : 193 Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. HCM

Messenger zalo